Qua miền nắng gió Ninh Thuận

Du lịch đã và đang dần trở thành một nhu cầu thiết yếu của đông đảo người dân. Du lịch không phải chỉ dành cho những người giàu có, khá giả mà ngay cả những người điều kiện bình thường cũng có thể tìm cho mình một cách du lịch riêng. Trong xu thế đó, đi “phượt” hiện là một trào lưu của giới trẻ. Dùng phương tiện cá nhân là xe máy, mang theo ít hành lý cùng vài người bạn là đã có thể lên đường.

Với cuộc sống ồn ào, tất bật và ô nhiễm hiện giờ thì đa phần du khách hướng đến du lịch sinh thái: khám phá tự nhiên, cắm trại bãi biển, tham quan vườn tược… Và xu thế này cũng đang thế hiện rõ ở mảnh đất nắng – gió Ninh Thuận. Đi đâu đó để được ngửi không khí trong lành, được ngắm nhìn khung cảnh đẹp, được chụp ảnh lưu niệm và được ăn, được uống những đặc sản… là những điều gần như quen thuộc. Vì thế, tham quan các vườn nho ở Ninh Thuận luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách.

Nho Ba Mọi
Vườn nho Ba Mọi

Đến với Ninh Thuận nhiều người chỉ quen với vườn nho Ba Mọi (thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) hay các vườn nho ở Thái An (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải). Ở đây tôi muốn giới thiệu đến mọi người một góc nhìn riêng về một số vườn nho nằm ngoài các tour tuyến đó.

Sông Dinh (sông Cái) bồi đắp phù sa cho nhiều vườn nho quanh đó, trong đó nổi lên các vườn nho của Phước Khánh, Phước Thuận, Thuận Hòa. Lượng dinh dưỡng do phù sa sông Dinh đem lại khiến những quả nho nơi đây có độ căng tròn, đều đặn về chất lượng quả.

Nho Thái An Ninh Thuận
Vườn nho Thái An

Vùng Thái An lại tiếp nhận một lượng cát pha trong tầng đất thịt. Cát mỏng, mịn và hàm chứa nhiều vi khoáng; đặc biệt trồng hành, tỏi và rau quả rất tốt, đạt năng suất cao.

Riêng những vườn nho tôi giới thiệu nằm ở địa đầu xã Thành Hải (TP. Phan Rang – Tháp Chàm) gáp với xã Hộ Hải (huyện Ninh Hải). Những vườn nho ấy vừa có được lượng phù sa của con mương Ngòi (khi xưa mương rộng như một con sông nay bị bồi lắp nhiều chỗ nên nhỏ dần), và chứa đựng trong mình nhiều khoáng chất kim loại của vùng đất núi Cà Đú.

Trùng Sơn Cổ Tự – Một tu viện Phật Giáo độc đáo nằm trên đỉnh núi đá

Trên tuyến đường Quốc lộ 1A, hướng đi Nha Trang (Khánh Hòa), nằm ngay ngoại ô thành phố, một cung đường dài nối vùng Tân Hội, Thành Hải, Công Thành, Cà Đú với nhau. Trong đó tuyến đường từ Công Thành, Đá Bắn, Cà Đú theo cạnh nghĩa trang liệt sĩ đi vùng Tri Thủy, Dư Khánh là nơi có nhiều vườn nho từ lâu đời. Lúc trước diện tích trồng nho rất lớn nay đà chuyển đổi thành nhiều vườn cây ăn quả khác (táo, ổi, xoài, dừa…). Nếu du khách có dịp ngao du sơn thủy một vòng từ hướng đường đài liệt sĩ đi chợ Dư Khánh sẽ thấy một không khí khác lạ. Một bên là dãy núi Cà Đú hùng vĩ với cây cối um tùm. Lẩn khuất trong những lùm cây là những ngôi mộ và cả một khu nghĩa trang được người dân quen gọi đùa là “thành phố buồn”. Núi Cà Đú từng là một khu căn cứ địa cho cách mạng hoạt động những ngày kháng Pháp, chống Mỹ. Giờ đây nó là một di tích lịch sử, một chứng nhân lịch sử thể hiện hào hùng ý chí chống ngoại xâm của nhân dân Ninh Thuận. Tạt ngang nơi ấy vào một buổi chiều mát chúng ta cũng dễ bắt gặp những đàn bò, đàn cừu, đàn dê… đang hăng say gặp cỏ cây hay vui đùa tung tăng. Như vậy, không cần đến tận cánh đồng cừu An Hòa hay các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Hải… để được ngắm nhìn và chụp ảnh. Bên phải cung đường là những vườn nho xanh mướt, nằm thấp hẳn so với mặt đường nhưng bên kia vốn đã là núi cao nên cái thấp đó là có lý của nó. Những vườn nho nơi đây được thừa hưởng cái ngọt lành và phù sa của mương Ngòi, vừa có chất núi với các kim loại (sắt, kali, natri, canxi…) chứa nhiều trong đất vùng chân núi Cà Đú.

Vườn nho chín tà tà với những ánh nắng xuyên qua từng khe lá để lộ những chùm quả căng tròn, chín mộng. Chùm nho chặt quả, nhiều, da dày và màu tươi hơn hẳn các vườn nho khác. Độ sắc của đường làm nên vị ngọt đặc trưng của nho nơi đây. Đất vùng này vốn là đất “cà dang” chứa nhiều phèn chua lại hòa chung trong chất canxi từ đá núi trầm tích, kali nhiều làm độ ngọt cao. Ăn quả có độ giòn, ngọt thanh, bắt mắt. Quả có kích thước tương đối, không to nhiều bằng các vùng chuyên trồng ven sông lớn. Quả nho căng bóng, đậm màu (vàng tươi, đỏ thẫm), nặng về trọng lượng. Độ chua vừa, ngọt thanh. Nhìn chung, da của quả nho nơi đây có dày hơn nho các vùng ven sông Dinh hay khu vực gần biển như Thái An. Có thể nói đó là một nét riêng chưa thể phân định là lợi hay hại so với các vườn nho nơi khác. Chỉ biết một điều rằng, da quả dày thì độ cầm màu, bảo quản và vận chuyển đi xa rất tốt.

Đàn cừu An Hòa

Trên tuyến đường đi Dư Khánh ấy, nhà cửa tương đối còn thưa với những công trình đang xây cất. Một điều thú vị là gần như trước cổng của mỗi ngôi nhà thường có một hai cây xoài lâu năm (trước nhiều nay ít dần). Cứ đến mùa quả vàng xanh chín ngập cả không gian đem lại một sự phấn khích rất lớn. Cây cối ven đường vốn mang đặc tính chống chịu khô hạn như các vùng khác của Ninh Thuận nên lá xanh lục đậm màu, với một vài cơn mưa trong năm 2016 đã làm cây thay lá càng thêm xanh tốt. Chụp ảnh lưu niệm với cây bụi mang phong cách rừng núi, ngắm nhìn sắc vàng của xoài và thưởng thức nho tím cũng là một trải nghiệm đầy thú vị.

Ninh Thuận với Ninh Bình có những tương đồng trước hết là về một điểm: nổi tiếng về thịt dê. Dê Ninh Bình được thả rông trên núi ăn lá cây vốn chứa nhiều bài thuốc nam nên bổ dưỡng thì dê Ninh Thuận ở vùng này cũng có những đặc trưng đó. Vì thế chưa hẳn nói thịt dê ở Ninh Bình ngon hơn ở Ninh Thuận và ngược lại. Cái ngon trước hết là ở cái thưởng thức, cách thưởng thức và sự cảm nhận.

Đầm Nại
Đầm Nại là cảng cá sầm uất ở vùng đất Phan Rang

Từ những vườn nho chúng ta xuôi theo tuyến đường đi về hướng Đầm Nại, cầu Tri Thủy và đặc biệt ghé vào chợ Dư Khánh. Với đặc thù thuận tiện, khu chợ này gần như là một khu chợ đầu mối về thủy hải sản. Thủy hải sản được đưa ngay lên bờ sau khi tàu bè cập bến. Thức ăn nơi đây mang đậm nét của một vùng đất biển, ngọt ngào của thịt tôm, cá, mực… tươi pha vị mặn mòi của chất biển. Mỗi buổi sớm mai những chiếc thuyền ầm ầm cập bến tấp nập; khi chiều về thuyền lặng lẽ ngắm hoàng hôn. Hãy đến và trãi nghiệm một lần để rõ thêm về cái cảnh mà lòng người phải xao động ấy. Chọn thời điểm để thấy rằng cảnh mỗi nơi một khác, cái đẹp chưa bao giờ chỉ có ở một đôi nơi.

Rõ ràng đây là một cung đường đẹp cho du lịch: Công Thành – Dư Khánh. Đến nông thôn xã Thành Hải để ngắm đồng ruộng, thưởng thức táo xanh, dừa ngọt, ổi chua chua rồi đến vườn nho nặng trĩu quả, ngắm rừng, cảm nhận về di tích, thưởng thức thịt dê trước khi xuôi về vùng cảng biển để đắm mình trong sắc đỏ hoàng hôn, ăn hải sản và cũng chuyện trò, xem lại những tấm ảnh hôm nay. Tin chắc đây sẽ là một trải nghiệm đầy ý vị cho những ai thích tận hưởng sự yên bình của tự nhiên.

“Cung đường đẹp lắm ai ơi

Nhanh chân ghé lại chân trời không xa

Nghe chim rừng núi hát ca

Ăn hoa quả ngọt đậm đà thôn về

Dẫu rằng mệt mỏi đứt hơi

Dừng chân bến cảng ăn chơi hết liền”

Lê Công Khoa

Qua miền nắng gió Ninh Thuận

Du lịch đã và đang dần trở thành một nhu cầu thiết yếu của đông đảo người dân. Du lịch không phải chỉ dành cho những người giàu có, khá giả mà ngay cả những người điều kiện bình thường cũng có thể tìm cho mình một cách du lịch riêng. Trong xu thế đó, đi “phượt” hiện là một trào lưu của giới trẻ. Dùng phương tiện cá nhân là xe máy, mang theo ít hành lý cùng vài người bạn là đã có thể lên đường. (more…)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *