Hải trình thương mại và câu chuyện bang giao Việt- Nhật

Việt Nam và Nhật Bản là hai nước Châu Á có nhiều nét tương đồng về địa lý tự nhiện, văn hóa, xã hội. Quan hệ giao lưu văn hóa thương mại hai nước đã có từ lâu đời và có nhiều cơ duyên mang tính lịch sử.

 

Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản được đặt quan hệ nền móng khá sớm. Vào thế kỷ 8, Nhà sư Phật triết ( Buttetsu) của Vương quốc cổ Champa ( miền Trung Việt Nam ngày nay) đã đến và truyền vũ nhạc Champa, góp phần tạo nên nhã nhạc Nhật Bản. Những vũ điệu do ông truyền dạy, ngày nay vẫn còn thịnh hành và được người Nhật gọi là “Lâm ấp bát nhạc” . Cùng thời gian này người Nhật Bản đầu tiên đặt chân tới Việt Nam là văn nhân Nakamaro Abeno. Năm 753, sau thời gian du học tại Trung Hoa, trên đường về nước, thuyền của ông bị lạc vào hoan châu ( địa phận Nghệ An- Hà Tĩnh ngày nay). Vì sự cố này ông không thể về Nhật Bản nên phải ở lại Trung Hoa. Tiếp đó từ năm 761 đến 767, ông sinh sống ở Đại La, Hà Nội khi được nhà Đường cử làm quan tại đây.

 

Chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu Hội An- Dấu tích lưu lại của cộng đồng người Nhật

 

Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản được nâng lên tầm quốc gia trong các thế kỷ 16-17. Đây là thời điểm diễn ra những chuyến đi và đến không ngững giữa hai nước thông qua mậu dịch Châu Ấn thuyền. Chính quyền hai nước đương thời đã trao đổi nhiều quốc thư về việc bang giao giữa hai nước.

Trong đó bức quốc thư sớm nhất hiện biết để niên hiệu Quang Hưng thứ 14 thời Lê Trung Hưng (1591) do chính quyền Đại Việt ( quốc hiệu Việt Nam thời phong kiến) gửi quốc vương Nhật Bản. Có thể nói đây là bằng chứng lịch sử quan trọng minh chứng quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã thực sự bắt đầu từ thế kỷ thứ 16. Các hào thương Nhật Bản có công lớn trong việc thiết lập quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ này là Suminokura Ryoi và con trai Suminokura Soan với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài ( miền Bắc), Araki Sotaro… với chúa Nguyễn ở Đàng Trong ( miền Trung).

Khuyến khích việc mở rộng giao thương giữa hai nước, Mạc Phủ Nhật Bản đã cấp Châu Ấn trạng ( giấy phép đóng dấu đỏ) cho các hào thương đưa Châu Án thuyền sang Đại Việt buôn bán. Những chuyến vượt biển của Châu Ấn thuyền tới Đàng Trong đã được người Nhật minh họa trong các bức tranh cuốn Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ ( thế kỷ 17), thuộc sở hữu của gia đình Chaya Shirojiro, về sau được tặng cho chùa Jomyo-ji, thành phố Aichi và bức Châu Ấn thuyền giao chỉ độ hàng (thế kỷ 17-18). Cả hai bức tranh cùng mô tả toàn bộ hải trình vượt biển từ Nagasaki sang Hội An của thương gia Chaya. Chùa Jomyo-Ji cũng đang giữ bức tranh cổ  Thác Kiến Quan Thế Âm, tương truyền là một món quà mà chúa Nguyễn thỉnh từ chùa trên núi Ngũ Hành Sơn để tặng và tỏ lòng tin cậy đối với thương gia Chaya khi ông tới Hội An buôn bán.

Về phía Việt Nam, các chúa Nguyễn cũng đưa ra những chính sách khuyến khích mềm dẻo như cho phép các thương gia Nhật Bản lập Phố Nhật tại Hội An để buôn bán. Hiện nay, tại Hội An, Đà Nẵng còn lưu nhiều dấu tích của cộng đồng người Nhật như Chùa Cầu ( Lai Viễn Kiều); khu mộ địa của thương nhân Nhật … Tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung dựng lên 1640 tại Động Hoa Nghiêm trên núi Ngũ Hành Sơn cũng khắc tên nhiều hào thương Nhật Bản đã công đúc tiền để sữa chữa, mở rộng chùa… Nhiều thương gia Nhật đã lấy vợ người Việt Nam, sinh con, lập nghiệp lâu dài tại đây. Thương nhân Araki Sotaro còn được chúa Nguyễn Phúc NGuyên gả công chúa và ban cho quốc tính là Nguyễn Thái Lang. Năm 1620, công chúa theo chồng về sống tại Nagasaki, với tên Nhật là Wakaku, tên thân mật là Anio-san. Ngày công nương Wakaku cập bến  Nagasaki, một buổi lễ long trọng được tổ chức để đón cô dâu thuộc dòng dõi quý tộc của nước Đại Việt.

Từ đó đến nay buổi lễ đón tiếp này đã trở thành một phần quan trọng trong lễ hội Okunchi tại Nagasaki, được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10 hằng năm với nghi lễ rước Châu Ấn thuyền, đứng trên mũi tàu là hai em bé đóng vai Arasaki Sotaro và công nương Wakaku. Có thể nói hải trình thương mại giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản có sự phiêu lưu, mạo hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng từ đây đã dệt nên những tình yêu vĩnh cữu.

Đầu thế kỷ 20, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du nhằm kêu gọi thanh niên yêu nước sang Nhật Bản học tập, đào tạo nhân tài chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, xây dựng nước Việt Nam mới tiến bộ. Nhờ có sự giúp đỡ của các chính khách ở Nhật Bản lúc đó mà phong trào Đông Du được tạo dựng và  phát triển. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian khoảng 4 năm nhưng đây đó có thể được coi là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước thời cận đại.

Những câu chuyện kể trên chứng tỏ rằng quan hệ Việt Nam- Nhật Bản vốn có cội nguồn từ trong lịch sửu và là nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước hiện nay. Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác càng ngày quan trọng của nhau trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, đầu tư, viện trợ phát triển đến phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục…